Xã hội nông thôn Việt nam và quá trình hình thành kiến trúc nhà ở

KTS. Lê Hồng Dân

1. Khái quát chung về xã hội nông thôn việt nam

1.1. Bản chất xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống

Xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống là Làng Xã găn liền với lịch sử phát triển dân tộc Việt nam. Trải qua mấy nghìn năm hình thành và phát triển của dân tộc, làng xã luôn là một cộng đồng bền chặt. Cộng đồng dân cư của làng được hình thành khởi nguồn từ những mối quan hệ huyết thống và láng giềng, luôn phải gắn kết chặt chẽ

- Tính tổ chức chặt chẽ, theo nhiều nguyên tắc khác nhau.

Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, vì vậy người nông dân phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Cho nên nét đặc trưng của làng xã ở Việt Nam nói chung và ở vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng là tính cộng đồng. Làng xã được tổ chức rất chặt chẽ, theo nhiều nguyên tắc khác nhau, như :

+ Tổ chức nông thôn theo huyết thống: Gia đình và Gia tộc.

Những người cùng quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành những đơn vị cơ sở là gia đình và gia đình cấu thành gia tộc. Đối với người Việt Nam, gia tộc trở thành một cộng đồng gắn bó, có vai trò quan trọng thậm chí còn hơn cả gia đình. (Hình 1.1.1)

Ở Việt nam, làng và gia tộc (họ) nhiều khi đồng nhất với nhau. Dấu vết hiện tượng “làng là nơi ở của một họ” còn lưu lại trong hàng loạt tên làng: Đặng Xá (nơi ở của họ Đặng), Ngô Xá, Đỗ Xá, Nguyễn Xá,…Trong làng người Việt vẫn thích sốngtheo lối sống đại gia đình, quần tụ gia đình 3,4 thế hệ (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường). Sức mạnh gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang nhau về vật chất và tinh thần.

+ Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: Xóm và Làng.

Trong xã hội nông nghiệp, những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của lối liên kết này là khái niệm làng, xóm. Việc tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú chính là bước thứ 2 trong lịch sử phát triển làng xã Việt Nam. Khi công xã thị tộc tan rã và chuyển thành công xã nông thôn thì các thành viên của làng không chỉ gắn bó với nhau bằng quan hệ máu mủ mà còn gắn bó cả bằng những quan hệ sản xuất và trao đổi hàng hoá.

Cách thức tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú dựa trên quan hệ hàng ngang, theo không gian. Nó là nguồn gốc của tính dân chủ, bởi lẽ muốn giúp đỡ nhau, muốn có quan hệ lâu dài thì phải tôn trọng và bình đẳng với nhau. Đó là hình thức dân chủ sơ khai - dân chủ làng mạc.

+ Tổ chức nông thôn theo nghề nghiệp và sở thích: Phường và Hội.

Trong một làng phần lớn người dân đều làm nông nghiệp; tuy nhiên nhiều làng có những bộ phận cư dân sinh sống bằng nghề khác; họ liên kết với nhau, khiến cho nông thôn có tổ chức thứ ba là tổ chức theo nghề nghiệp, tạo thành đơn vị gọi là Phường (phường nghề). Ở nông thôn có thể gặp hàng loạt phường như: phường gốm, phường nề, phường chài, phường vải, phường nón, phường đúc đồng…

 

Bên cạnh phường nghề để liên kết những người cùng nghề, ở nông thôn Việt Nam còn có Hội là tổ chức nhằm liên kết những người cùng sở thích, thú vui, đẳng cấp: hội tư văn, hội võ phả, hội chọi gà, hội bô lão…

[ còn nữa]

[QUAY LẠI]
Các bài đã đăng
 1   2  3  4 
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC HỒNG ĐỨC
Địa chỉ: Số 24 ngõ 105/2/39 Đường Xuân La, Quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: (+84) 4 37586983 - (+84) 91 3233459 - Fax: (+84) 4-37586983
Website: www.hongducjsc.vn - Email: hongducjsc@gmail.com
Design by © TeComSystems