Không gian linh hoạt trong nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ. Còn hay mất?

KTS Lê Hồng Dân

 

     Từ xa xưa, bằng những kinh nghiệm xây dựng nhà ở dân gian. Cha ông ta đã tạo nên những không gian ở vô cùng sinh động và tiện lợi trong nhà ở truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những không gian ở linh hoạt này đã tồn tại và phát triển ngày một hoàn thiện trong nội tại mỗi ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm cúng tình người của nông dân Việt Nam. Nói đến nhà ở nông thôn, ta phải kể đến nhà ở của nông thôn đồng bằng bắc bộ (NTĐBBB), cái nôi của nền văn minh văn hoá Làng - Việt.

     Chúng ta bắt đầu từ văn hoá làng của người Việt. Theo Giáo sư Ngô Huy Quỳnh; Làng cổ truyền Việt Nam là một đơn vị dân cư hợp thành, là cơ sở của tổ chức xã hội Việt Nam, có tính chất cộng đồng cao; nền kinh tế tự cung tự cấp, có phong tục tập quán riêng, lệ làng và tín ngưỡng thờ cúng với những vị thành hoàng làng riêng.

     Đi từ cổng làng, người ta đã cảm nhận được sự đặc thù riêng của mỗi lệ làng khác nhau. Con đường nhỏ hẹp với những hàng gạch xây nghiêng dẫn vào trung tâm làng, nơi có khu đất cao ráo nhìn ra bốn phía của làng là Đình làng, phía trước có ao làng (nơi Đình làng soi bóng). Xung quanh là các ngõ nhỏ lát gạch dẫn dần vào các nhóm nhà ở đan xen với cây xanh ngút mắt. Vòng ra bên cạnh làng, nơi có các luỹ tre xanh bao bọc là cánh đồng bao la ôm con sông làng uốn quanh luôn đầy nước trong vắt, những cây cầu gầy vắt qua kết hợp với cây đa cổ thụ che bóng cả bến nước của làng. Tạo nên một bức tranh hữu tình và thơ mộng.

     Trở lại với khuôn viên ngôi nhà truyền thống, chúng ta đều gặp cái cổng xây bằng gạch đất nung có mái che hoặc cây dâm bụt được cắt xén cẩn thận uốn cong tạo nên vòm cổng đẹp mắt dẫn vào lối ngõ nhỏ đi vòng theo bờ ao thả cá hoặc vườn cây ăn quả phía trước ngôi nhà.

     Một sân nhỏ lát gạch đất nung dùng làm sân phơi ngày mùa và cũng là nơi sinh hoạt quây quần gia đình dưới ánh trăng vào những đêm Hè đẹp trời như uống trà, ăn cơm, hóng mát...; nơi tổ chức lễ cưới xin hoặc lễ làm ma người chết đều được diễn ra ở cái sân gạch trước hiên mỗi ngôi nhà người Việt. Đây chính là không gian sử dụng linh hoạt trước tiên mà ta thường gặp. Tuỳ theo diện tích và mức thu nhập của mỗi gia đình mà diện tích sân rộng hay hẹp, tuy nhiên sân thường rộng từ 6 - 9M và dài từ 3-5 gian nhà (mỗi gian rộng 2,5-2,7M). Sân đều hướng ra đón gió mát, chủ yếu là hướng Nam và Đông Nam.

     Kề liền với sân là hiên nhà, hiên thường rộng 1,6-2,1M dùng làm không gian đệm ngăn bớt không khí nóng giữa trong nhà và ngoài sân. Hiên còn được dùng như không gian đa chức năng như sinh hoạt chung, tiếp khách, uống trà, nằm hóng mát ru con vào những những đêm Hè oi bức. Để giảm bức xạ mặt trời giữa ngoài sân và trong nhà, người ta dùng những tấm dại tre đan phên có thể che nắng vào mùa Hè và chắn gió lạnh mùa Đông.

     Không gian ở linh hoạt chủ đạo là ngôi nhà chính. Nhà chính thường làm 3 -5 gian (người dân thường quan niệm lấy số lẻ làm may mắn, tránh số 4 rơi vào cung tử trong Sinh - Lão - Bệnh - Tử). Nếu nhà 5 gian thì được dành 3 gian làm không gian ở, hai bên là hai buồng dùng để cất của cải và là nơi ở của con gái, đàn bà trong nhà hoặc vợ chồng mới cưới, buồng được ngăn với gian nhà chính bằng tường xây hoặc phên liếp tre và có cửa ra vào. Gian giữa dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên, là nơi tâm linh của gia đình. Gian này thường kết hợp làm không gian tiếp khách (giống như phòng khách trong nhà hiện đại). Hai gian hai bên dùng làm nơi ngủ cho ông chủ nhà và nơi ngủ của đàn ông. Không gian chính này rất linh hoạt, nó mang trọng trách trong tất cả các sinh hoạt gia đình (đối nội), sinh hoạt giao tiếp với bên ngoài (đối ngoại). Không gian linh hoạt khi sử dụng bởi sinh hoạt gia đình đó là thờ cúng, trao đổi giao tiếp gia đình, dạy dỗ con cái. Khi sử dụng cho giao tiếp láng giềng là dùng làm nơi giỗ tết, cưới xin, ma chay... Với những nhà nghèo, diện tích chật hẹp. Người ta sử dụng thêm các vách che di động như ván gỗ, phên liếp tre để sử dụng không gian ở chính này thành các không gian linh hoạt khác nhau.

          Một không gian linh hoạt mà được nông dân sử dụng triệt để nữa là ngôi nhà phụ, thường gọi là nhà ngang. Nhà này dùng để làm bếp, ăn; làm nơi để thóc gạo mỗi khi làm mùa, nơi để dụng cụ làm nông nghiệp... Nhiều gia đình thường xuyên dùng không gian nhà phụ này làm không gian sinh hoạt gia đình, nhà chính chủ yếu làm nơi ngủ và giao tiếp đối ngoại. Không gian nhà phụ được dùng như không gia đa năng, ở đó sau những ngày mùa, người nông dân sử dụng thời gian nhàn rỗi để làm nghề phụ. Nghề này tuỳ thuộc vào làng nghề, vào gia đình có nhiều thành viên hay ít thành viên và có nghề thủ công bậc cao hay thấp. Thường nông dân làm các nghề dệt, đan, thêu và nghề thủ công khác. Một số gia đình trong làng nghề truyền thống, nhà phụ này được sử dụng thường xuyên cho sản xuất thủ công nghiệp và đôi khi như một không gian giới thiệu và bán sản phẩm thủ công.

     Tính linh hoạt trong nhà ở truyền thống không chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình còn được mở rộng ra cả láng giềng. Đặc thù làng NTĐBBB là cụm dân cư có cùng ảnh hưởng bởi họ hàng và huyết thống, nên nó mang nặng tính giao tiếp sinh hoạt cộng đồng. Khi có công việc như ốm đau, cưới xin, ma chay của gia đình nào đó, toàn bộ làng cùng quan tâm giúp đỡ, chia vui. Không gian linh hoạt láng giềng lúc này được phát huy, các gia đình kề liền nhau cùng sử dụng không gian trong nhà, ngoài sân của nhau để dùng cho các công việc cần nhiều diện tích rộng rãi.

     Ngày nay, nền kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hoá nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến không gian ở truyền thống của người Việt. Hình ảnh ngôi nhà mái ngói đỏ rêu phong, ẩn mình dưới những tán cây xanh soi mình xuống mặt nước không còn nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà hình hộp đơn điệu, tẻ nhạt xây chen vào nhau nhìn ra đường làng. Không gian truyền thống được thay bằng không gian nhà ống kiểu "phố làng" hoá. Làm phá vỡ cấu trúc văn hoá làng ngàn đời nay của người Việt. Từ hình thức nhà phố làng này đã làm biến mất những không gian linh hoạt đa năng trong sáng tạo xây dựng nhà cửa của người Việt xưa. Do xây dựng một cách tự phát không có quy hoạch và quản lý nên nhà ở nông thôn hiện nay đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân vốn đang là môi trường trong sạch hơn nhiều so với đô thị.

     Để giữ gìn được bản sắc nhà ở nông thôn truyền thống, nơi có thể tạo nên thể loại nhà nông thôn vườn với môi trường trong sạch, tiền đề của du lịch sinh thái toàn quốc. Chúng ta, nhất là các nhà quản lý, các nhà làm quy hoạch, thiết kế kiến trúc nên quan tâm nhiều hơn nữa đến loại hình nhà ở nông thôn mới. Đã đến lúc chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại xem cái gì còn hay đã mất của kiến trúc nhà ở nông thôn cổ truyền. Cái mà đã hoà quện vào với thời gian, với thiên nhiên, con người, với cây xanh mặt nước. Ngày nay, bao kiến trúc sư miệt mài ngày đêm đi tìm kiếm những không gian nhà ở cao tầng trong các đô thị, sao cho con người ở trong những không gian đó cảm thấy gần gũi hài hoà với thiên nhiên, với khí hậu, với cây xanh... để con người không cô đơn ngay chính trong nơi ở thân thương của mình, không xa lại với chính nơi chôn rau cắt rốn. Trong khi đó nhà ở nông thôn, nơi bắt nguồn của tất cả ý tưởng, nơi đã được thiên nhiên kiểm chứng qua thời gian  lại bị con người tàn phá.  Nếu chúng ta không có những giải pháp quy hoạch cũng như bảo tồn kiến trúc thì chỉ một thời gian nữa,  chúng ta sẽ không còn cảm nhận được đâu là làng Việt? đâu là ngôi nhà ở nông thôn đặc trưng của NTĐBBB?. Mà hiện hữu là loại hình nhà phố làng với sự xây dựng tuỳ tiện học đòi nhà ở đô thị những năm 90 cuối thế kỷ XX.

     Nhìn chung, nhà ở truyền thống NTĐBBB đã bám chặt ngàn đời với đất, gần gũi với mỗi con người Việt Nam. Nhất là những không gian ở vô cùng linh hoạt mà cha ông đã đúc kết xây dựng nên. Sẽ tồn tại cùng thời gian, thách thức với những biến động của nền kinh tế thị trường và nền đô thị hoá trong tương lai./.

[QUAY LẠI]
Các bài đã đăng
 1  2  3   4 
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC HỒNG ĐỨC
Địa chỉ: Số 24 ngõ 105/2/39 Đường Xuân La, Quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: (+84) 4 37586983 - (+84) 91 3233459 - Fax: (+84) 4-37586983
Website: www.hongducjsc.vn - Email: hongducjsc@gmail.com
Design by © TeComSystems