MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHÔNG GIAN CƯ TRÚ NÔNG THÔN VEN BIỂN DUYÊN HẢI BẮC BỘ THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi - Trường Đại học Xây dựng

 

2. NCS.KTS Lê Hồng Dân - Công ty cổ phần Kiến trúc Hồng Đức

1. Đặt vấn đề

Duyên hải Bắc Bộ Việt Nam (DHBB) bao gồm 05 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có tổng diện tích 12.176,04km2, dân số 7.824.045 người với hơn 519km đường bờ biển và 289 xã ven biển. Trong đó, diện tích đất ven biển hơn 5.646km2, dân cư ven biển 2.674.135 người [1]. DHBB là khu vực rất thuận lợi về phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, đảm bảo chính trị an ninh và quốc phòng, là phên dậu cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Nói đến tầm quan trọng của DHBB, tại Quyết định số 865/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng DHBB đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: “Phát huy mọi tiềm năng lợi thế để phát triển DHBB thành vùng kinh tế tổng hợp (công nghiệp, du lịch và dịch vụ…) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là chiến lược kinh tế biển”. “Định hướng đến năm 2050 DHBB là vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế Nam Trung Quốc và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam. Là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị nông thôn cao. Đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, đào tạo nguồn nhân lực và là trung tâm du lịch lớn của cả nước” (bảng 1) [1]. 

 

Bảng 1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) các tỉnh ven biển duyên hải Bắc bộ 

Tỉnh, thành phố

GDP (tỷ đồng)

GDP bình quân đầu người (nghìn đồng)

GDP của đới bờ biển

(tỷ đồng)

Quảng Ninh

24.774,0

21.606,5

17.075,0

Hải Phòng

48.408,2

26.284,5

17.329,0

Thái Bình

23.334,0

13.079,6

5.932,7

Nam Định

23.356,0

12.788,7

7.983,7

Ninh bình

14.945,7

16.604,5

2.735,3

 

Ngày nay, tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng đến đới bờ biển như xâm thực bờ biển, xói lở bờ biển với cường độ vài mét mỗi năm, sạt lở đất ven cửa sông, triều cường và ngập nước, đất ven bờ biển và các cửa sông bị xâm nhập mặn do nước biển dâng. Do đó, BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, đến diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Đặc biệt, BĐKH đã và đang làm ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn ven biển, làm biến đổi hình thái không gian cư trú, biến đổi văn hóa lối sống, phương thức sản xuất kinh tế nông nghiệp và làm biến đổi cả không gian kiến trúc nhà ở. 

Những hiện tượng của BĐKH làm ảnh hưởng đến hình thái không gian cư trú và nhà ở nông thôn ven biển vùng DHBB phải kể đến hiện tượng nước biển dâng do bão và hiện tượng xói lở bờ biển, cụ thể: Nước biển dâng do bão là hiện tượng tự nhiên rất nguy hiểm đến con người và nhà cửa, đó là hiện tượng dâng lên của mực nước biển do ma sát của gió bão với mặt nước và độ giảm áp ở tâm bão gây nên. Nước dâng do bão làm tăng mực nước lũ trong các con sông và tăng tình trạng ngập lụt các vùng cửa sông. Bão đổ bộ vào khu vực ven biển thì mực nước dâng cao hơn 100cm [1]. 

Lũ lụt ở vùng ĐBBB chủ yếu hình thành trên lưu vực sông Hồng (chiếm 80-85%), sau đó là lưu vực sông Thái Bình (chiếm 10-15%), cuối cùng là sông Tích, sông Bôi (chiếm 2-4%), lũ trên lưu vực sông Hồng, gồm lũ sông Đà chiếm 37-69%, lũ sông Lô chiếm 17-41%, lũ sông Thao chiếm 13-30%; Lũ trên lưu vực sông Thái Bình, gồm sông Lục Nam chiếm 43,5%, sông Cầu chiếm 34,3%, sông Thương chiếm 22,2% [1]. 

         Đối với thực trạng hiện tượng bồi tích và xói lở bờ biển, vùng DHBB chia làm 2 đoạn, đoạn thứ nhất từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Đồ Sơn, Hải Phòng và đoạn thứ hai từ Đồ Sơn, Hải Phòng kéo dài đến Kim Sơn, Ninh Bình.

Đoạn thứ nhất do hệ thống sông suối nhỏ, ngắn nên đoạn bờ này nhìn chung là khá ổn định, xói lở chỉ sảy ra ở một số khu vực như cửa sông Bạc Đằng, có tới 15 đoạn xói lở với tổng chiều dài 43,92km, đoạn Phù Long bị xói lở dài 3,3km, tốc độ xói lở 9,6m/năm; Nam Cát Hải tốc độ xói lở 12,9m/năm; Đình Vũ bị xói lở 3,0km với tốc độ xói lở 8,6m/năm. Tổng diện tích bị xói lở đoạn bờ biển này lên đến 250ha, trong đó có nhiều khu dân cư, chợ, trường học, nghĩa trang bị cuốn trôi [1]. 

         Đoạn thứ hai có nhiều cửa sông lớn nên mang một lượng phù sa đổ ra biển nên bờ biển có ưu thế về bồi tụ. Tuy nhiên đây là vùng biển hở có sóng lớn tác động cả hai mùa gió Đông bắc và Tây nam nên dẫn đến quá trình xói lở và bồi tụ sảy ra cục bộ và xen lẫn nhau. Các đoạn bị xói lở như Đồng Châu, Tiền Hải, Thái Bình, Xuân Thủy, hải hậu, Nam Định do nằm ở giữa các cửa sông Thái Bình, Trà Lý, Ba Lạt, Đáy. Đoạn bờ biển bị xói lởn nhiều nhất từ xã Đông Hải đến Hải Thịnh, Hải hậu, Nam Định có chiều dài khoảng 19km (hình 1).

Hình 1: Hình ảnh nước biển dâng làm sạt lở đất tại Nam Định và nước biển dâng do bão tại Hải Phòng [internet]

 

Tóm lại, đứng trước thách thức của BĐKH đối với vùng DHBB, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian cư trú nông thôn ven biển, chúng ta cần tập trung phân tích một số yếu tố cơ bản tác động ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn DHBB trong điều kiện biến đổi khí hậu, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp không gian cư trú nông thôn nhằm giúp giảm thiểu rủi ro, những tổn thương do BĐKH trong thời gian tới là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. 

2. Một số khái niệm chung 

- Khái niệm về BĐKH: Là sự thay đổi của khí hậu được quy trực tiếp hay gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động của khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được. BĐKH xác định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu. Trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỷ [4]. 

- Khái niệm về đới bờ biển: Bao gồm 2 dải không gian kéo dài ôm lấy bờ biển, đó là dải ven biển và dải ven bờ. Đặc điểm của đới bờ biển là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển, là một hệ tự nhiên phụ thuộc chặt chẽ vào biến động của tự nhiên [1].

- Khái niệm về không gian cư trú nông thôn ven biển: Là không gian sinh sống, làm việc, học tập và sinh hoạt của cư dân nông thôn tại các khu vực đới bờ biển. Trong đó, hiện hữu bởi nhà ở, công trình công cộng, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật nông thôn, đồng ruộng canh tác sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp.

- Thích ứng BĐKH: Là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do BĐKH và tận dụng các cơ hội donó mang lại [4].  

3. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu:Bài báo đặt ra mục tiêu nghiên cứu là phân tích một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giúp giảm thiểu tác động rủi ro của biến đổi khí hậu đến tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển.

Phương pháp nghiên cứu:  Trong khuôn khổ bài báo, sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với vấn đề nghiên cứu như phương pháp tổng hợp, gồm tổng hợp các thông tin, số liệu từ các bài báo cáo, sách chuyên khảo của các Bộ, Ngành và các nhà khoa học, sử dụng phương pháp điều tra khảo sát thực tế. Sau đó sử dụng phương pháp phân tích, gồm phân tích các thông tin, các số liệu, đánh giá lựa chọn các số liệu theo nội dung bài báo làm cơ sở cho đề xuất định hướng tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB và cuối cùng là dùng phương pháp dự báo cho việc định hướng một số mô hình tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB thích ứng với BĐKH.  

4. Một số yếu tố tác động ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB thích ứng biến đổi khí hậu

4.1. Tác động chung của BĐKH 

- Kịch bản biến đổi khí hậu:

         BĐKH làm nhiệt độ trung bình năm theo kịch bản phát thải trung bình (B2) giữa thế kỷ 21 tăng từ 1,2-1,6 độ, đến cuối thế kỷ tăng 1,9-3,1 độ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, riêng ven biển DHBB tăng cao nhất ở Nam Định 2,7 độ.

         Lượng mưa tăng từ 1-4% vào giữa thế kỷ 21 và cuối thế kỷ tăng từ 2-7%, lượng mưa ngày lớn nhất tại DHBB cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 50% theo như bảng 2 [1].

 

Bảng 2. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm và mức thay đổi lượng mưa so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải trung bình (B2) vùng DHBB

Tỉnh,

 thành phố

Mức tăng nhiệt độ (ºC)

Mức thay đổi lượng mưa (%)

Các mốc thời gian

Các mốc thời gian

2020

2050

2080

2100

2020

2050

2080

2100

Quảng Ninh

0,5

1,3

2,1

2,5

1,3

3,5

5,6

6,7

Hải Phòng

0,5

1,3

2,1

2,5

0,9

2,3

3,7

4,4

Thái Bình

0,5

1,2

1,9

2,3

1,5

3,9

6,2

7,4

Nam Định

0,5

1,4

2,3

2,7

1,3

3,5

5,6

6,6

Ninh Bình

0,5

1,3

2,1

2,5

1,1

3,0

4,9

5,8

 

         Về nước biển dâng, theo kịch bản phát thải trung bình (B2) đến cuối thế kỷ 21 trung bình ven bờ biển Việt Nam khoảng 57-73cm. Theo kịch bản phát thải cao (A1, F1) đến cuối thế kỷ nước biển dâng ven bờ biển Việt Nam trung bình khoảng 78-90cm, Vùng DHBB thấp nhất là khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng trung bình khoảng 66-85cm, theo đó diện tích ngập lụt tại vùng ĐBBB và Quảng Ninh là 10,5% diện tích đất [1].

- Nước biển dâng tại đới bờ biển: 

         Khi nước biển dâng tại đới bờ biển DHBB theo kịch bản BĐKH, sẽ làm ngập chìm ngập một số diện tích đất đai đáng kể, tăng cường các quá trình phá hoại bờ biển, làm ngập và phá hủy nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các công trình hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp, thủy lợi, công trình văn hóa, xã hội, khu cư trú dân cư mất nơi sinh sống của con người; Suy thoái môi trường sống, thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước ngọt, gia tăng các rủi ro như bão, lụt, nước dâng do bão; làm thoái hóa đất đai sản xuất, canh tác; tác động tiêu cực: Gia tăng phập lụt dải đòng bằng ven biển, giảm khả năng thoát nước từ các thủy vực ven biển, làm giảm và mất các công trình bảo vệ bờ, công trình thủy lợi, giao thông… 

         Diện tích đất đai bị ngập nước chia làm 2 loại: Đất bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, độ sâu 1m, vùng DHBB bị ngập vĩnh viễn đến năm 2050 chiếm 18% diện tích đất hiện có, trong đó diện tích đất thủy sản bọ mất nhiều nhất (chiếm 67% diện tích đất thủy sản hiện có), đất công nghiệp 28%, đất ở, nông nghiệp, đồng lúa và rừng mất 14-15%. Đất bị ngập do dâng bão (chu kỳ 100 năm) chiếm 87% diện tích đất hiện có, trong đó diện tích đất thủy sản bị mất nhiều nhất (chiếm 97% diện tích đất thủy sản hiện có), đất trồng lúa 92%, đất ở nông thôn 88%, đất ở đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cơ quan ngập 72-79%, đất nuôi trồng thủy hải sản ngập 55% và đất rừng ngập 38% [1].

- Tác động ảnh hưởng của BĐKH:

BĐKH sẽ làm ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, đất - nước); Kinh tế - xã hội (nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch, cuộc sống và sức khỏe cộng đồng) và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, BĐKH sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của tự nhiên và xã hội, đất đai, dân cư, không gian cư trú, không gian nhà ở, không gian sản xuất vùng DHBB.

         Đối với nông nghiệp: BĐKH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp (thu hẹp, lũ lụt, hạn hán, hoang mạc hóa), làm thay đổi tính tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp với điều kiện khí hậu; gia tăng ảnh hưởng của thiên tai và gây khó khăn cho công tác thủy lợi. Làm ảnh hưởng mạnh đến môi trường phát triển của hải sản, đến môi trường nuôi trồng thủy sản, tác động tiêu cực đến ngành kinh tế thủy sản. Do đó, cần thiết phải chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp cho thích ứng. 

Đối với lâm nghiệp: BĐKH làm suy giảm quỹ đất rừng phòng hộ ven biển, làm thay đổi cơ cấu tổ chức rừng, suy giảm chất lượng rừng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng nguồn sinh học rừng, dẫn tới sự suy giảm hay biến mất hoàn toàn của rừng ngập mặn và rừng phòng hộ. 

         Đối với các khu dân cư: BĐKH làm ảnh hưởng đến các điểm quần cư, điểm dân cư nông thôn ven biển. Cụ thể làm sạt lở đất, biến mất dần các điểm dân cư nông thôn ven biển, làm biến đổi hình thái các không gian cư trú nông thôn, nhấn chìm dần hoặc sa mạc hóa các điểm dân cư nông thôn, làm thay đổi văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, thói quen. Khi BĐKH, nước biển dâng, bão, nhiệt độ tăng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và cuộc sống của dân cư khu vực ven biển DHBB.

Đối với phương thức sản xuất: Làm thay đổi phương thức sản xuất, làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn.Các vùng đất mầu mỡ dành cho nông nghiệp, hoặc các cánh đồng nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt hoặc nhiễm mặn, nghề đánh bắt ven bờ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nước biển dâng làm cho thay đổi dòng chảy và chế độ thủy triều tại các vùng cửa sông, ảnh hưởng đến sản xuất và cư trú của dân cư, vùng đầm lầy ven biển ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống của các loại sinh vật biển, tính đa dạng sinh học ven biển sẽ suy giảm.

Đối với hệ thống giao thông: Làm thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa và  đi lại của con người.

4.2. Tác động của BĐKH đến không gian cư trú nông thôn DHBB

         - Biến đổi không gian cư trú:

Ảnh hưởng của BĐKH làm nước biển dâng, dẫn đến biến đổi không gian mặt nước biển và tạo nên sự biến đổi không gian cư trú ven biển. Biến đổi không gian cư trú chính là sự biến đổi hình thái của làng, xóm với xu hướng giảm dần diện tích, thậm chí có thể biến mất nếu mực nước biển ngày một dâng cao. Nếu xem không gian cư trú là không gian làng, xóm thì làng ven biển DHBB gồm có một số loại cơ bản như làng bãi bồi, làng cửa sông, làng cồn cát, làng ngập nước,... Hình thái cấu trúc không gian các làng ven biển chủ yếu theo dạng tuyến, trong tương lai sẽ biến đổi thành làng có cấu trúc dạng tuyến kết hợp với điểm. Các hình thái cấu trúc mới của làng, xóm nêu trên sẽ thích ứng với điều kiện nước biển dâng, từ đó các không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian vui chơi giải trí cộng đồng, không gian tâm linh, văn hóa, lịch sử cũng sẽ biến đổi theo cho phù hợp với cấu trúc mới của làng, xóm. 

         - Biến đổi hạ tầng kỹ thuật:

         Cùng với sự biến đổi cả cấu trúc không gian cư trú ven biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng biến đổi theo cho phù hợp, hệ thống giao thông chuyển một phần lớn sang giao thông đường thủy, sử dụng thuyền làm phương tiện đi lại; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, chất lỏng,... cũng phải thay đổi theo hướng thích ứng với điều kiện ngập nước khi nước biển dâng. Các giải pháp thoát nước, cấp nước sạch thông qua hệ thống đường ống “mềm” thay cho đường ống “cứng như hiện nay, giải pháp thuỷ lợi phục vụ tiêu nước hoặc cung cấp nước tưới cho cây nông nghiệp cũng biến đổi theo hướng mềm, giải pháp cung cấp điện cũng chuyển đổi sang hướng tích điện từ năng lượng pin mặt trời hay sử dụng gió để làm phong điện. Nhìn chung, quá trình thích ứng với BĐKH vùng DHBB sẽ làm thay đổi hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong cấu trúc không gian cư trú dân cư.  

         - Biến đổi không gian nhà ở:

         Không gian nhà ở ven biển thích ứng với BĐKH được phân thành không gian khuôn viên nhà ở và không gian ở. Trong đó, không gian khuôn viên nhà ở sẽ biến đổi theo hướng linh hoạt, khuôn viên “mở” thay cho khuôn viên “đóng” hiện nay, các không gian khuôn viên không phân rõ ranh giới rõ ràng bằng tường rào kín mà thay vào đó là ranh giới ước lệ tương đối, nhất là các làng ngập nước, làng cửa sông nơi có mực nước ngập cao nhất khi sảy ra các kịch bản BĐKH vùng DHBB.

         Không gian ở cũng biến đổi cho phù hợp với phương thức sản xuất mới, không gian sân chơi, sân phơi biến đổi thành sân trên sàn, trên mái; không gian ở cũng biến đổi từ không gian tổ chức theo phương ngang thành phương đứng; các không gian chăn nuôi bố trí dưới sàn và không gian ở của người dân bố trí sàn bên trên bởi vì giai đoạn này chủ yếu dùng nhà sàn trên mặt nước hoặc nếu ở trên nền đất cũng sử dụng kiểu nửa nhà sàn, nửa trệt. 

         - Biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng:

            BĐKH sảy ra sẽ ảnh hưởng tác động đến không gian sinh hoạt cộng đồng như không gian tôn giáo, không gian tín ngưỡng, tâm linh; không gian vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao; không gian chợ, dịch vụ, thương mại. Các không gian sinh hoạt cộng đồng biến đổi về chức năng, về hình thái không gian sẽ làm biến đổi không gian cư trú nông thôn vùng DHBB. 

         - Biến đổi không gian sản xuất:

         Không gian sản xuất của cư dân ven biển khi BĐKH cũng biến đổi cho thích ứng, diện tích sản xuất có xu hướng thu hẹp do biển xâm lấn đất liền, không gian sản xuất nông nghiệp trước đây chuyển sang kết hợp với không gian sản xuất nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản, không gian chế biến, cung ứng, dịch vụ nông nghiệp. Việc hình thành các không gian sản xuất mới dẫn đến hệ thống giao thông thay đổi và cấu trúc không gian cư trú cũng biến đổi theo cho thích ứng. 

4.3. Ảnh hưởng bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp

         Quá trình BĐKH sẽ làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, cụ thể các làng sản xuất thuần nông sẽ biến đổi thành làng nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản; làng nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản sẽ biến đổi thành làng chuyên nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản hoặc trở thành làng ngư nghiệp. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp nêu trên trong thời gian tới phần lớn sẽ gắn với hoạt động kinh tế du lịch biển. Ngoài ra, sẽ hình thành các cảng cá, hình thành các trung tâm chế biến các sản vật biển và sản phẩm nông nghiệp ven biển, trung tâm dịch vụ ngành biển, trung tâm dịch vụ du lịch biển, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao,... Từ đó cho thấy muốn thích ứng với BĐKH tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu sản cuất kinh tế nông nghiệp  theo hướng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch nhằm tạo lập sinh kế, việc làm và nâng cao mức sống cho dân cư ven biển. 

4.4. Ảnh hưởng bởi dân số và cấu trúc gia đình 

         Thực tế cho thấy, dân số vùng ven biển DHBB sẽ ngày càng tăng lên, theo dự báo dân số toàn vùng DHBB đến năm 2025 khoảng 9 triệu người [5] trong khi diện tích đất canh tác nông nghiệp sẽ giảm đi, cụ thể năm 2005 tỷ lệ nông thôn khoảng 75%, dự tính đến năm 2025 chỉ còn 40% đất nông nghiệp, phần đất còn lại dành cho phát triển đô thị. Từ đó, có thể thấy dân số đông lên nhưng đất ở và đất canh tác nông nghiệp giảm đi do xâm lấn của nước mặn, của nước biển dâng và tác động của đô thị hóa, đây chính là những khó khăn rất lớn khi BĐKH sảy ra đối với vùng DHBB. Cấu trúc gia đình dân cư vùng ven biển DHBB có xu hướng chủ yếu là các gia đình “nhỏ” kiểu gia đình hạt nhân (một đến hai thế hệ) thay thế cho gia đình “lớn” đa thế hệ trước đây (hai đến bốn thế hệ). Do đó, nhu cầu về nhà ở trong thời gian tới sẽ tăng lên và chính là các yếu tố cơ bản làm biến đổi không gian cư trú dân cư ven biển.

5. Định hướng một số mô hình tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB thích ứng BĐKH

- Khu vực đất lấn biển: 

Tại vùng DHBB, ngoài một số khu vực nước biển dâng làm sạt lở, xâm lấn đất liền vẫn còn một số khu vực gần cửa sông lớn tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định có xu hướng bồi lấn biển. Hằng năm một lượng lớn đất phù sa từ thượng nguồn đổ ra cửa biển và bồi đắp dần tạo nên các khu vực đất lấn biển. Khu vực đất lấn biển chính là nguồn đất vô cùng quý giá để tổ chức, tạo lập các không gian cư trú nông thôn ven biển, bù đắp không gian sinh sống tại các làng, xóm đã bị nước biển xâm lấn. Tuy là đất bồi lắp, lấn biển nhưng chủ yếu vẫn là nền đất thấp, sình lầy, do đó muốn tổ chức không gian cư trú tiện nghi cần phải xây dựng hệ thống kênh, rạch kiểu ô cờ, dùng để thau rửa nước mặn lấy đất sản xuất và dẫn nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân, bên cạnh đó cần đào nhiều ao, hồ lấy lượng đất để đắp nền nhà, nền vườn và nền đường giao thông phục vụ đi lại cho con người và vận chuyển hàng hóa, nông sản. Nhờ có nền các khu đất cao ráo do bồi đắp lên, người dân có thể xây dựng nhà ở và các công trình công cộng phục vụ cho sinh hoạt, đời sống hàng ngày. Cấu trúc không gian cư trú đất lấn biển được phân bố thành làng, xóm theo kiểu tuyến tính bám men theo ven biển bởi con đường đê cao ngăn nước mặn, đường giao thông sử dụng kiểu răng lược, một bên đường bờ đê là không gian làng, bên kia là không gian sản xuất. Cách bố trí các không gian chức năng trong làng, xóm nên kế thừa cấu trúc truyền thống làng trước đây vùng ven biển DHBB. Không gian cư trú dân cư khu vực đất lấn biển tổ chức theo hình dáng dạng tuyến sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản (hình: 2). 

- Khu vực cửa sông:

Khu vực cửa sông là khu vực rất dễ bị ảnh hưởng của BĐKH do nước biển dâng hoặc lũ cuốn nên việc tổ chức các không gian cư trú dân cư tại khu vực này cần quan tâm chú ý đến các điều kiện bất lợi của tự nhiên. Do đặc điểm của cửa sông, vùng nước lợ nơi giao hòa giữa vùng nước ngọt và nước mặn mỗi khi có thủy triều nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác, đánh bắt hải sản. Nhà ở dân cư thường tổ chức thành các cụm điểm, xóm nhỏ sống trên thuyền đánh cá hoặc nhà bè nổi tiện cho sản xuất và đánh bắt. Nhà nổi trên mặt nước và dễ dàng di chuyển khi gặp lũ lớn hay triều cường là loại hình nhà ở phù hợp với dân cư nông thôn khu vực cửa sông. Mô hình tổ chức không gian cư trú như sau: Mỗi xóm chài cần bố trí một hệ thống thu nước mưa, trữ nước ngọt và xử lý chất thải độc lập; một làng hay cụm làng gần nhau nên bố trí một không gian nhà cộng đồng, trong đó gồm chức nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, không gian hội họp và giao lưu, học tập, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, tùy theo điều kiện của mỗi làng mà có thể bổ sung thêm chức năng lưu trú và ăn uống phục vụ khách du lịch, chức năng chợ nổi nhằm khai thác hiệu quả hoạt động kinh tế dịch vụ, thương mại và du lịch cộng đồng (hình: 3).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 2: Mô hình không gian cư trú khu vực đất lấn biển

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 3: Mô hình không gian cư trú khu vực cửa sông

 

- Khu vực đất bãi ven biển:

Khu vực đất bãi ven biển rất thuận lợi cho hình thành các mô hình dân cư nông thôn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như kinh tế du lịch biển, sản xuất muối, làng nghề chiếu cói, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Mô hình không gian cư trú dân cư ven biển cũng giống như làng khu vực đất lấn biển, làng, xóm tổ chức theo dạng tuyến. Cấu trúc giao thông kiểu dạng hình răng lược, tuyến đường trục chính đi qua kết nối giữa các làng, một bên là không gian cư trú của dân cư, bên kia là bãi biển dùng cho phát triển các không gian du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng và sản xuất kinh tế biển. Nhằm giảm thiểu BĐKH nước biển dâng, triều cường nên xây dựng đường đê chắn sóng kết hợp với đường giao thông đi lại và vận chuyển lưu thông hàng hóa (Xem hình 2).    

- Khu vực cồn cát: 

Các cồn cát là nơi được thiên nhiên bồi tụ hàng nghìn năm mà hình thành, do đó có lợi thế là cao ráo, có khả năng tránh được nước biển dâng và triều cường, phần lớn vùng ven biển DHBB đều có các cồn đụn đụn cát và thuận lợi cho việc tổ chức các không gian cư trú nông thôn. Về tương lai tới, các khu vực cồn đụn cát nên ưu tiên tập trung chủ yếu làm khu vực cư trú sinh sống lâu dài của dân cư ven biển, chuyển dần các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chế biến, dịch vụ, thương mại ra các khu vực thấp, trũng gần với mặt nước để tiện cho canh tác và sản xuất. Do thuận lợi về mặt địa hình nên làng, xóm khu vực này được tổ chức thành dạng điểm, nhóm giống như các làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Cấu trúc hệ thống giao thông tổ chức theo dạng xương cá, đó là đường giao thông đi qua giữa làng và các nhánh ngõ đi tỏa về các xóm và các hộ gia đình. Khi xây dựng phát triển không gian cư trú khu vực này, cần chú ý dành quỹ đất để định hướng quy hoạch các điểm dân cư nông thôn mới, đồng thời quan tâm đến hệ thống giao thông xung quanh làng để có thể vừa kết nối với các đường làng, ngõ xóm vừa đáp ứng khả năng vận chuyển hàng hóa, nông sản từ đồng ruộng và bãi ven biển về các khu vực trung chuyển phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tập trung, cho dịch vụ thương mại hàng hóa và sản xuất chế biến (hình: 4). 

- Khu vực đất ngập nước:

Trong thời gian tới vùng DHBB sẽ có nhiều khu vực đất ngập nước ven biển do tác động của BĐKH nước biển dâng, sạt lở đất tạo nên. Thực tế cho thấy, khi diện tích nhà ở bị ngập không thể di chuyển dân cư đi khu vực khác được vì quỹ đất ở ngày càng khan hiếm, do đó các khu vực đất ngập nước vùng DHBB cũng phải xem xét sử dụng làm không gian cư trú và kết hợp với sản xuất kinh tế biển theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế từ nông nghiệp sang nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Mô hình không gian cư trú khu vực ngập nước tùy theo điều kiện tự nhiên mà làng có dạng điểm hay dạng tuyến kết hợp với điểm. Nhà ở tổ chức theo kiểu nhà sàn, loại nhà trên cột. Giao thông đi lại được sử dụng chủ yếu là thuyền và có thể bổ sung thêm các trục giao thông đường bộ dựa theo các trục con đê chắn sóng và các con đê của kênh đào thoát nước. Như vậy, không gian cư trú men theo các kênh đào hay đê chắn sóng được tổ chức theo dạng tuyến và các khu vực khác có thể tổ chức dạng điểm (hình: 5).

Hình 4: Mô hình không gian cư trú khu vực cồn cát

Hình 5: Mô hình không gian cư trú khu vực đất ngập nước

 

6. Kết luận

         Ngày nay, BĐKH không còn xa lạ đối với con người, các tác động của nó đang hằng ngày ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta và nơi chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của nước biển dâng, triều cường, sạt lở đất, lũ ống, bão, gió, nhiệt độ tăng… là tại các vùng ven biển Việt Nam nói chung và vùng DHBB nói riêng. BĐKH cũng chính là con người tạo nên do việc tàn phá môi trường sống của chính chúng ta, vì vậy chúng ta phải tính đến việc chung sống thích ứng với BĐKH và phải bảo vệ môi trường sống, nương nhờ vào tự nhiên, vừa sinh tồn như cũng phải bảo vệ tự nhiên thiên nhiên xung quanh chúng ta.

         Việc quan tâm nghiên cứu các yếu tố tác động ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB nhằm giúp cho việc tổ chức không gian sống thích ứng với BĐKH là việc làm cần thiết, có ý nghĩa kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia. 

         Một số yếu tố chính tác động đến không gian cư trú nông thôn ven biển phải kể đến đó là tác động ảnh hưởng chung của BĐKH; tác động ảnh hưởng của BĐKH đến không gian cư trú như làm biến đổi không gian cư trú, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian nhà ở, không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian sản xuất; ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp; ảnh hưởng bởi dân số và cấu trúc gia đình người nông dân.

         Định hướng các mô hình tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển DHBB gồm không gian cư trú tại khu vực đất lấn biển, khu vực cửa sông, đất bãi ven biển, đất cồn đụn cát và đất ngập nước. Các không gian cư trú được tích hợp bởi việc tổ chức hài hòa các không gian sinh sống từ cấu trúc không gian làng, xóm, không gian ở, không gian hoạt động công cộng, hạ tầng kỹ thuật và không gian sản xuất. 

         Bài báo bước đầu nghiên cứu phân tích, đánh giá các yếu tố tác động ảnh hưởng đến không gian cư trú nông thôn và định hướng đề xuất 05 mô hình tổ chức không gian cư trú ven biển DHBB phù hợp với khu vực đới bờ biển DHBB thích ứng với BĐKH. Từ đó cho thấy, muốn có cái nhìn tổng thể về tổ chức không gian cư trú nông thôn ven biển thích ứng với BĐKH cần phải thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa, nhất là tập trung nghiên cứu các giải pháp tổ chức không gian cư trú, giải pháp kiến trúc nhà ở nông thôn DHBB thích ứng với BĐKH./.      

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Đức An,Đới bờ biển Việt Nam cấu trúc và tài nguyên thiên nhiên, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội - 2015.

2. Bộ tài nguyên và Môi trườngKịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội - 2011.

3. Nguyễn Văn Điệp(chủ nhiệm), Cơ sở khoa học của các giải pháp tổng thể phòng chống lũ lụt và kế hoạch cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp, Đề tài KC.08.13 Viện Cơ học, Hà Nội - 2004.

3. Trần Đức Hạ(chủ biên), Ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động công nghiệp, đôthị và xây dựng công trình, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội - 2013.

4. Lê Hồng Kế,Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong quá trình phát triển đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội - 2015. 

5. Quyết định số 865/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

6. Phạm Huy Tiến(chủ nhiệm), Dự báo hiện tượng xói lở - bồi tụ bờ biển, cửa sông và các giải pháp phòng tránh, Đề tài KC.09.05 Viện Địa lý, Hà Nội - 2005.

7. Nguyễn Đình ThiKiến trúc nhà ở nông thôn, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội - 2011. 

[QUAY LẠI]
Các bài đã đăng
 1  2  3   4 
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC HỒNG ĐỨC
Địa chỉ: Số 24 ngõ 105/2/39 Đường Xuân La, Quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: (+84) 4 37586983 - (+84) 91 3233459 - Fax: (+84) 4-37586983
Website: www.hongducjsc.vn - Email: hongducjsc@gmail.com
Design by © TeComSystems